Cá thát lát Hậu Giang

Theo quốc lộ 61 từ ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A qua các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy rồi Tp. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi bắt gặp nhiều khoảnh ao nuôi cá thát lát của bà con nông dân trải rộng. Hậu Giang chính nơi được coi là “thủ phủ” của cá thát lát.

Cá thát lát rất dễ nuôi, có thể sống ở cửa sông, kênh rạch, ao, đồng ruộng, các đầm nước lợ ven biển và cũng có thể sống trong môi trường thiếu oxy và độ PH thấp. Mùa sinh sản của cá thát lát bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7 và thời gian thu mua kéo dài 5 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Riêng cá thát lát cườm (hay còn gọi là cá nàng hai, cá đao, cá cườm) là loại cá quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Nó là loại cá nuôi mới, trước chưa phổ biến, nay ở tỉnh Hậu Giang đã trở thành tiềm năng đặc biệt của địa phương.

Hiện diện tích nuôi cá thát lát tính trên toàn tỉnh là khoảng 18,63ha với sản lượng 657,5 tấn (tính đến đầu năm 2014), gần gấp đôi so với sản lượng cách đây 10 năm (năm 2004) là 362 tấn, khi Hậu Giang bắt đầu mở rộng việc nuôi cá thát lát. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng có trên 30 cơ sở chế biến cá thát lát đang hoạt động và khoảng 100 cơ sở sản xuất giống. Tất cả cung cấp nguồn sản phẩm cá thát lát cho thị trường nội địa và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.


Cá thát lát là loài cá nước ngọt có thân dài, dẹt, đuôi rất nhỏ và vảy nhỏ phủ toàn thân.


Công đoạn làm sạch vảy cá thát lát trước khi sơ chế.


Cá thát lát sau khi làm sạch được ướp lạnh trước khi sơ chế.


Cá thát lát sau khi làm sạch được những người công nhân khía rất đều trên thân để tẩm gia vị.


Công đoạn cá thát lát được tẩm gia vị muối, ớt, bột ngọt…


Cá thát lát sau khi đóng gói thành phẩm được bảo quản trong nhiệt độ lạnh.

Đến xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chúng tôi đã được tham quan một mô hình mới nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang triển khai với việc tư vấn về kỹ thuật kết hợp giữa thức ăn tươi sống và công nghiệp. Chỉ trong vụ đầu tiên áp dụng mô hình này, ông Trần Văn Sang (ấp 9) xã Vị Thắng đã thu hoạch 30.000 con cá thát lát sau gần 6,5 tháng thả nuôi, đạt sản lượng cá thương phẩm là 14 tấn, với giá 37.000 đ/kg, thu về lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Ông Sang cho biết, việc nuôi cá thát lát có tỉ lệ rủi ro thấp do loài cá này ít bệnh, trong khi càng để lâu thì cá thát lát càng bán được giá và xuất khẩu được, không như một số loài cá khác.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, mô hình nuôi cá thát hát bằng thức ăn công nghiệp giúp giảm chi phí khoảng 30% so với nuôi bằng thức ăn tươi sống. Điều quan trọng là bà con cần tính toán thời vụ thả nuôi thích hợp để giảm giá thành sản xuất, tăng nguồn lợi nhuận cho bà con. Phía trung tâm cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình và từng bước thay thế hoàn toàn bằng nguồn thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm và sinh sản cũng giúp nhiều bà con ở Hậu Giang có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, kinh tế hộ gia đình theo đó cũng ngày càng ổn định.

Nằm trong dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang”, Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng tỉnh Hậu Giang đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cá thát lát và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào tháng 3/2012. Việc làm này nhằm mục đích bảo vệ uy tín, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá thát lát trên thị trường, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân tại tỉnh Hậu Giang./.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam